Nhân sự cấp cao trong hệ thống ngân hàng vẫn thừa những người thiếu năng lực và thiếu những người thừa năng lực. Đối với những nhân sự có năng lực và được đánh giá phù hợp với ngân hàng, chế độ đãi ngộ là “như mơ”.
Tuyển dụng đúng người và giữ chân nhân tài đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của hầu hết ngân hàng |
Sau vài tháng nhận vị trí, tổng giám đốc (CEO) một ngân hàng đã chính thức xin từ nhiệm, với lý do cá nhân. Câu chuyện này không bình thường trôi đi như bao tổng giám đốc khác nhận vị trí được 1 hoặc 2 năm rồi xin nghỉ vì lý do cá nhân.
Nguyên do được thị trường đồn thổi là vị tổng giám đốc đó đưa một ê kíp của mình tại ngân hàng cũ sang, nhưng ê kíp này lại phát sinh tiêu cực trong việc tuyển dụng dẫn đến kiện tụng, ảnh hưởng đến vị tổng giám đốc, khiến ông xin từ nhiệm.
Liên quan đến câu chuyện ê kíp, theo giám đốc tuyển dụng của một công ty “săn đầu người”, chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng mời một tổng giám đốc về làm việc đều biết và chấp nhận một ê kíp của vị tổng giám đốc đi theo.
Tâm lý chung của các tổng giám đốc là có một ê kíp làm việc ăn ý sẽ thuận lợi hơn trong công việc và điều này thường không những không khiến chủ tịch hội đồng quản trị khó chịu mà còn vui vẻ, thậm chí có nơi còn gợi ý tổng giám đốc đưa ê kíp cũ về. Nguyên do là mời những người đảm nhiệm vị trí cấp trung mà được việc không hề dễ tìm.
“Thông thường, tổng giám đốc không đạt được thỏa thuận chung với chủ tịch hội đồng quản trị thì sẽ chia tay. Tuy vậy, những người đi theo vị tổng giám đốc này không bị buộc phải nghỉ việc. Họ cảm thấy luyến tiếc sếp cũ hay có bất đồng về quan điểm với lãnh đạo thì mới nghỉ việc.
Đa số trường hợp ở lại vì đã có vị trí nhất định trong ngân hàng, có chỗ đứng để cống hiến và được tạo điều kiện phát triển. Rất hiếm trường hợp nhân sự cấp trung trong ê kíp bị buộc phải nghỉ việc sau khi tổng giám đốc từ nhiệm”, vị giám đốc tuyển dụng trên nói.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần trong miền Nam cho biết, hệ thống ngân hàng Việt Nam có khoảng 50 ngân hàng nên lượng nhân sự cho các vị trí cấp trung là rất lớn, lên đến hàng chục nghìn người. Người nộp đơn xin việc thì nhiều, nhưng người mà ngân hàng thấy phù hợp thì ít, thậm chí “săn” nhân sự ở ngân hàng khác cũng không có nhiều. Đối với những nhân sự có năng lực và được đánh giá là phù hợp với ngân hàng, chế độ đãi ngộ có thể nói là “như mơ”.
Dẫn chứng về chế độ đãi ngộ “như mơ”, bộ phận tuyển dụng chia sẻ về trường hợp Ngân hàng S vừa tuyển nhân sự là cán bộ của Ngân hàng V về làm trưởng phòng dịch vụ khách hàng. Nhân sự này được trả lương 100 triệu đồng/tháng, gấp đôi so với ngân hàng cũ và được ngân hàng mới "mua" lại khoản nợ (được vay ưu đãi - PV) tại ngân hàng cũ. Theo đó, thu nhập của vị trưởng phòng ước tính vào khoảng 150 triệu đồng/tháng.
Trong báo cáo “Một số vấn đề nổi bật về nhân sự ngành ngân hàng - Góc nhìn từ ứng viên và nhà tuyển dụng” của Navigos Search công bố cuối tháng 2 vừa qua, 89% ngân hàng được hỏi có mức thu nhập trung bình của nhân viên từ 10 - 30 triệu đồng/tháng. 26% nhà tuyển dụng cho rằng, mức lương và chế độ đãi ngộ chưa cạnh tranh đang là khó khăn lớn nhất đối với họ trong công tác tuyển dụng.
Để tăng hiệu quả trong tuyển dụng, 37% ngân hàng cho biết, họ sẽ cân nhắc áp dụng những chế độ đãi ngộ về tài chính để thu hút ứng viên; 56% ngân hàng tham gia khảo sát cho hay, về tổng thể, họ có những chính sách cơ bản và hợp lý, nhưng có thể sẽ đa dạng và mở rộng những chính sách này để thực sự hấp dẫn đối với nhân viên.
Giám đốc tuyển dụng của công ty “săn đầu người” trên cho biết, năm 2017 là năm rất bận rộn đối với bộ phận tuyển dụng nhân sự của các ngân hàng. Báo cáo kinh doanh của phần lớn ngân hàng đều ấn tượng, có kế hoạch phát triển và đương nhiên ngân hàng cần tìm những người có năng lực để làm việc.
Bên cạnh đó, xu hướng 4.0, Digital Banking đang là câu chuyện “nóng” nên tuyển người trong lĩnh vực này rất sôi động và có sự luân chuyển giữa các ngân hàng. Đồng thời, một số ngân hàng liên quan đến vấn đề pháp lý, sai quy định của Nhà nước khiến một bộ phận nhân viên không yên tâm làm việc nên chuyển việc sang ngân hàng khác.
Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2018 nhận định, kết quả kinh doanh toàn hệ thống tổ chức tín dụng năm 2017 cải thiện mạnh sau nhiều năm khó khăn. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) bình quân đạt 2,9%, tỷ lệ lợi nhuận trên tài sản (ROA) và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân lần lượt đạt 0,73% và 11,65% (năm 2016 là 0,56% và 8,05%).
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank thông tin, ngân sách thưởng trong năm 2017 của Ngân hàng đương nhiên tăng đồng thời với việc nhân sự tăng mạnh. Cuối năm 2017, số lượng cán bộ, nhân viên của Ngân hàng đạt 23.879 người, tăng gần 6.500 người so với đầu năm.
Thống kê cho thấy, tổng số lượng nhân sự của 15 ngân hàng gồm BIDV, VPBank, VietinBank, Sacombank, Vietcombank, HDBank, MBBank, ACB, Techcombank, LienVietPostBank, Eximbank, VIB, TPBank, NCB thời điểm cuối năm 2017 là hơn 178.000 người, trong đó có gần 20.000 nhân sự được tuyển thêm, tương đương tăng 13% so với cuối năm 2016.
Nhóm các ngân hàng tư nhân đẩy mạnh tuyển nhân sự nhất, điển hình là VPBank, HDBank, MBBank, LienVietPostBank. Riêng BIDV, nhân sự trong năm 2017 giảm 500 người, xuống còn 24.588 người.
Dự báo về kinh doanh năm 2018, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, lợi nhuận toàn hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục khả quan nhờ tốc độ tăng trưởng tín dụng ổn định, nợ xấu được xử lý nhanh hơn. Đặc biệt, một số ngân hàng thương mại đã sử dụng dự phòng để đưa nợ xấu ra ngoại bảng sẽ có khoản thu lớn từ việc bán tài sản đảm bảo và thu hồi nợ từ khách hàng. Như vậy, câu chuyện tìm người làm việc có năng lực tiếp tục là bài toán “đau đầu” của bộ phận tuyển dụng.
Theo khảo sát của Navigos Search, 78% nhà tuyển dụng tham gia khảo sát chia sẻ, để giữ chân người tài cho doanh nghiệp, họ sẽ áp dụng lộ trình thăng tiến nghề nghiệp rõ ràng cho nhân viên.
Bên cạnh đó, 37% nhà tuyển dụng đang cân nhắc áp dụng những chế độ đãi ngộ về tài chính để thu hút ứng viên. Về phía ứng viên, 3 chính sách đãi ngộ ngoài lương cơ bản được họ đánh giá hấp dẫn nhất bao gồm: hỗ trợ cho vay với lãi suất thấp (chiếm 53%); các khoản thưởng (thưởng giữa kỳ, thưởng cuối kỳ, lương tháng 13) chiếm 47%; bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm nhân thọ dành cho nhân viên (chiếm 45%).
Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search nhận xét: “Tuyển dụng đúng người và giữ chân nhân tài đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của hầu hết ngân hàng tại Việt Nam”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét